Mục lục
- Quy trình thi công ô địa kỹ thuật chuẩn nhất
- Một số lưu ý quan trọng khi thi công ô địa kỹ thuật
- Kết luận
Ô địa kỹ thuật là loại vật liệu được ứng dụng trong các công trình gia cố mái dốc. Vậy biện pháp thi công ô địa kỹ thuật được thực hiện như thế nào? Cùng Phú Thành Phát tìm hiểu về biện pháp thi công ô địa kỹ thuật trong bài viết sau nhé!
Ô địa kỹ thuật là một giải pháp hiệu quả trong việc gia cố nền đất, chống xói mòn, bảo vệ công trình. Việc thi công ô địa kỹ thuật đòi hỏi sự chính xác và tuân thủ các quy trình kỹ thuật để đảm bảo chất lượng công trình.
Quy trình thi công ô địa kỹ thuật chuẩn nhất
Bước 1: Chuẩn bị mặt bằng thi công geocell
– Trước khi thi công, cần đảm bảo khai thác và san lấp mặt bằng để thuận lợi hơn thực hiện. Việc chuẩn bị mặt bằng thi công, ô địa kỹ thuật và các loại vật tư thiết bị khác có thể được tiến hành song song để rút ngắn thời gian chuẩn bị.
– Việc san, gạt nền kênh mương, mái dốc cần được thực hiện đúng bản vẽ thiết kế. Tuân thủ các tiêu chuẩn hiện hành về công tác nền móng công trình thủy công, với các bước cơ bản sau:
1. Chuẩn bị mặt bằng và san nền kênh mương, mái dốc
- Dọn sạch gốc cây, cỏ rác và các vật liệu khác tại vị trí thi công ô địa kỹ thuật.
- Rút nước đáy móng kênh( đối với kênh mương).
- Thực hiện các công tác đào, đắp theo đúng thiết kế đã được phê duyệt.
2. Tạo và sửa kênh theo đúng kích thước hình học đã thiết kế
- Kiểm tra và đảm bảo không có lỗ hổng cũng như các rác thải trên móng.
- Kiểm tra độ phẳng đều của đáy và mái kênh mương.
3. Chuẩn bị rãnh/vai trên mặt dốc
- Tạo rãnh trên bề mặt (đỉnh) kênh để neo giữ hệ thống theo hồ sơ thiết kế.
Bước 2: Chuẩn bị geocell và vật liệu thi công
– Ô địa kỹ thuật/Geocell sau khi tập kết về công trình cần được bảo quản cẩn thận. Khu vực bảo quản phải có mái che hoặc tấm che phủ để tránh nắng, mưa và ánh sáng mặt trời trực tiếp trong thời gian dài hoặc bị ảnh hưởng bởi quá trình thi công các hạng mục khác gây đứt, gãy, hư hỏng,… Ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng ô địa.
– Trong quá trình thi công ô địa kỹ thuật Geocell cần được bảo quản tại nơi khô ráo, sạch sẽ. Tránh làm bẩn, gấp gãy và biến dạng vật liệu. Các vật liệu phụ như cọc neo, dây chằng và ghim cần được bao gói cẩn thận. Tránh hư hỏng do tác động của thời tiết và các hóa chất.
– Chuẩn bị các phụ kiện khác kèm theo để đủ điều kiện thi công. Bao gồm: Cọc neo, connector, neoclip… Các vật liệu khác lấp như: đất, đá, bê tông…
– Tùy theo từng thiết kế của dự án mà có sử dụng vải địa kỹ thuật làm lớp lót đáy bên dưới trước khi trải ô địa kỹ thuật vào bên trên.
Bước 3: Kéo trải và định hình ô địa kỹ thuật
– Sử dụng máy móc chuyên dụng hoặc công nhân để kéo trải vải địa kỹ thuật ở lớp nền trước khi tiến hành kéo trải ô địa kỹ thuật Geocell.
– Trước khi rải, đặt các tấm Geocell liên tiếp nhau song song với thành kênh và dọc theo đáy kênh.
– Căng các tấm ô địa kỹ thuật theo hướng mái dốc từ trên xuống và hướng dòng chảy để rải vật liệu.
Lưu ý:
- Việc tiến hành trải ô địa kỹ thuật cần căn cứ vào kích thước tấm vật liệu và kích thước kênh để tính toán và thiết kế nhằm sử dụng hiệu quả vật liệu và hạn chế các mối nối không cần thiết.
- Việc trải ô địa kỹ thuật Geocell với các mục đích khác nhau thì cách trải cũng sẽ khác nhau. Sử dụng Geocell với mục đích bảo vệ mái dốc thì phải trải ô địa sao cho chiều dài của ô ngăn trùng với chiều dọc mái; chiều rộng của ô ngăn có hướng thẳng góc với chiều dọc mái. Các mối nối tấm phải được kéo thẳng và được ghim cố định theo yêu cầu thiết kế. Đảm bảo các tấm ô địa không bị dịch chuyển hoặc gấp trong quá trình trải và chèn lắp vật liệu.
Bước 4: Nối hoàn chỉnh các tấm ô địa kỹ thuật
– Tùy theo điều kiện thi công và kích thước để tiến hành nối các tấm Geocell với nhau theo chiều dọc tấm hoặc theo chiều ngang tấm để tạo thành một hệ thống có cấu trúc liên kết chặt chẽ, cố định và liên tục.
– Số ghim phụ thuộc vào chiều cao ô địa được quy định.
Bảng 1 – Số lượng ghim tương ứng với chiều cao ô địa kỹ thuật
Chiều cao ô địa kỹ thuật Geocell | Số lượng ghim |
---|---|
≤ 100 mm | 4 |
≤ 150 mm | 5 |
≤ 200 mm | 6 |
– Các ghim nối phải được ghim so le mặt trái – phải dọc theo mối nối. Đảm bảo các dải ô địa được ép sát vào nhau khi nối và các ghim xuyên qua hết chiều dày của dải nối.
Bước 5: Cọc neo định vị và căng ô
– Cọc neo bằng thép xây dựng có đường kính từ ɸ10 đến ɸ12. Được sơn chống rỉ, chiều dài từ 50cm – 80cm tùy theo thiết kế.
– Cọc neo phải được cắm sâu, chắc chắn vào lớp đất cứng của nền đường.
Bước 6: Đổ vật liệu đắp và lớp phủ lên ô địa
Tùy vào loại vật liệu đắp theo thiết kế để thực hiện biện pháp thi công đắp phủ lên ô địa cho phù hợp.
Sử dụng đất làm vật liệu đắp
– Việc đắp đất phủ lên các tấm ô địa kỹ thuật Geocell phải tuân thủ theo hồ sơ thiết kế và các chỉ tiêu kỹ thuật theo bộ tiêu chuẩn hiện hành.
– Trước khi thực hiện đổ đất cần:
- Kiểm tra và loại bỏ các miếng gạch đá vỡ, đất, đá… Có kích thước bằng 1/3 kích thước ô địa để tránh hư hại tới mạng ô ngăn.
- Kiểm tra các cọc neo được ghim chặt xuống mép của ô địa theo các vị trí thiết kế. Có thể sử dụng móc chữ J hoặc các dạng cọc neo khác ở các đoạn đặc biệt để cố định vật liệu.
– Thực hiện đổ vật liệu đắp ở ổ trên cùng đầu tiên. Trải vật liệu chèn lấp từ trên xuống dưới cho tới khi các ô được lấp đầy. Không đổ lớp vật liệu chèn lấp từ độ cao trên 100cm để tránh làm hư hại cấu trúc ô địa. Đất lấp phải được phủ lên trên mặt hệ thống Geocell một lớp dày từ 4-6cm để tạo điều kiện cho việc kiên cố và đầm nén
– Đầm nén đất theo các tiêu chuẩn thiết kế.
– Không để một ô nào trên hệ thống liên kế Geocell bị lộ ra.
– Không bước đi trên bề mặt các ô Geocell trống vì có thể làm cong đoạn ô địa được trải và làm hỏng hệ thống. Cần phủ tấm cứng lên mặt các ô trước khi bước lên (nếu cần).
– Tránh nước đổ vào hoặc chảy xuống mái kênh trong quá trình thi công và sau khi hoàn thiện.
– Nếu các công trình bảo vệ kênh có trồng cỏ thì thực hiện trồng cây theo thông số kỹ thuật đã thiết kế sau khi đầm nén xong lớp đất chèn.
Lưu ý:
- Quy trình thi công áp dụng cho vật liệu chèn lấp dạng hạt như sỏi, đá mi,… Sẽ được tiến hành tương tự như quy trình với vật liệu đất. Tuy nhiên khi đổ vật liệu, việc rải và đầm nén cần được kiểm soát kỹ hơn và lớp đổ không nên dày 50cm.
- Nên thận trọng khi thi công để tránh tạo thành các lỗ hổng và tránh gây hư hại cho hệ thống ô địa. Kích thước của vật liệu dạng hạt không nên lớn hơn 1/3 kích thước của ô.
Sử dụng bê tông hoặc vật liệu lấp có đặc tính kỹ thuật tương tự
Nếu vật liệu lấp là bê tông, cần thực hiện thi công tuân thủ chặt chẽ theo các tiêu chuẩn hiện hành về công tác bê tông thủy công cũng như hồ sơ thiết kế. Ngoài ra, cần lưu ý một số vấn đề tiêu biểu:
- Đổ bê tông chèn lấp theo trình tự từ đỉnh kênh xuống đáy kênh;
- Bê tông khi đổ lấp phải được san gạt đều;
- Không được đổ lớp bê tông quá dày có thể làm biến dạng kết cấu Geocell;
- Tùy vào từng loại kết cấu ô địa mà điều chỉnh độ dày lớp bê tông đổ xuống sao cho phù hợp;
- Độ dày tối đa không lớn hơn 50cm trên mặt các tấm Geocell.
- Bố trí giải pháp hợp lý để đảm bảo các mẻ bê tông đổ xuống được san gạt và đầm ngay khi thực hiện. Không gây ảnh hưởng đến quá trình ngưng kết của bê tông.
Bước 7: Kiểm tra và nghiệm thu
Trong quá trình thi công, sau khi làm xong mỗi hạng mục đều cần phải kiểm tra bằng mắt thật kỹ trước khi tiến hành thực hiện hạng mục tiếp theo.
Sau khi hoàn thiện công trình, cần phải kiểm tra và nghiệm thu để đảm bảo chất lượng thi công và độ an toàn của công trình sau khi hoàn thiện.
Một số công tác cần phải kiểm tra tiêu biểu như:
– Phạm vi trải ô địa kỹ thuật geocell/ ô ngăn hình mạng Neoweb đúng theo đồ án thiết kế.
– Kiểm tra chất lượng mối nối. Bao gồm: số lượng ghim, độ khít chặt và sự đồng đều,… bằng mắt thường.
– Kiểm tra chất lượng cọc neo dựa vào số lượng cọc và chiều sâu của cọc.
– Chất lượng công tác trải ô địa kỹ thuật. Gồm: kích thước hình học ô địa khi căng bằng thước, vị trí mối nối,… Trường hợp có các tấm geocell bị hư hỏng khi căng thì phải có biện pháp khắc phục kịp thời.
– Kiểm tra nghiệm thu công tác chèn đắp vật liệu, kiểm tra chiều dày tối thiểu lớp vật liệu để đảm bảo lớp chèn lấp, phủ đủ, đúng theo hồ sơ thiết kế.
Một số lưu ý quan trọng khi thi công ô địa kỹ thuật
- Chọn loại ô địa phù hợp với yêu cầu thiết kế: Tùy thuộc vào điều kiện địa chất, mục đích sử dụng mà chọn loại ô địa phù hợp.
- Chất lượng vật liệu: Đảm bảo vật liệu có chất lượng tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật.
- Thực hiện đúng quy trình: Tuân thủ chặt chẽ các quy trình thi công để đảm bảo công trình được hoàn thiện một cách chuẩn nhất.
- Kiểm tra thường xuyên: Kiểm tra chất lượng công trình trong quá trình thi công và sau khi hoàn thành.
Kết luận
Thi công ô địa kỹ thuật là một trong những công tác thi công không yêu cầu quá cao về kỹ thuật nhưng vẫn cần phải thực hiện đúng theo quy trình để đảm bảo chất lượng công trình. Hy vọng rằng qua bài viết trên, bạn sẽ nắm được một số thông tin cơ bản về cách thi công ô địa kỹ thuật. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc yêu cầu tư vấn thiết kế – thi công ô địa kỹ thuật cho công trình của bạn. Vui lòng để lại thông tin hoặc liên hệ trực tiếp với Phú Thành Phát. Chúng tôi sẽ hỗ trợ tư vấn và giải đáp thắc mắc nhanh nhất cho bạn ngay khi nhận được thông tin!
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Trụ sở chính: 15 Đường số 5, KDC Vĩnh Lộc, Bình Hưng Hòa B, Bình Tân, TP.HCM
Hotline: 028.666.03482 – 0909.452.039 – 0909.809.259
Email: infor@vaidiakythuat.com
Bài viết liên quan
–
Xác định kích thước lỗ VĐKT dệt GT theo ASTM D4751
Mục lụcKích thước lỗ vải địa kỹ thuật là gì?Tiêu chuẩn ASTM D4751…
–
Vải địa kỹ thuật gia cố nền đất yếu theo TCVN 9842:2013
Mục lụcTCVN 9842:2013 là gì?Yêu cầu về vải địa kỹ thuật gia cố…
–
Hệ số thấm VĐKT dệt GT đạt ASTM D4491
Mục lụcHệ số thấm vải địa kỹ thuật là gì?Tiêu chuẩn ASTM D4491…